fbpx

Thôn Xuân Trung, Xã An Xuân, Huyện Tuy An

Tỉnh Phú yên, Việt Nam

cskh@caytrekhonglo.com

Giờ liên hệ: 08:00-21:30

(+84) 986 340 077

Hỗ trợ 24/7, tư vấn qua Zalo

Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh ” Minh Oan” Cho Cây tre

Chia sẻ bài viết:

Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh là người đã “minh oan” cho cây tre nhiều điều

   Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh là người đưa ra ý tưởng, sau đó trực tiếp xây dựng Làng tre Phú An (Bến Cát, Bình Dương) – một bảo tàng tre lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á và năm 2010 đã nhận được giải thưởng Xích đạo (Equator Prize) của Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học.

  Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh là người đưa ra ý tưởng, sau đó trực tiếp xây dựng Làng tre Phú An (Bến Cát, Bình Dương) – một bảo tàng tre lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á và năm 2010 đã nhận được giải thưởng Xích đạo (Equator Prize) của Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học.

Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh
Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh

  Bà nhiệt tình và thân thiện với tất cả những ai đến chơi hay tìm hiểu về Làng tre, từ những học sinh tiểu học đến các vị khách nước ngoài chỉ kịp ghé tham quan lúc đã hơn 9 giờ tối.

   Bà có vẻ bề ngoài mạnh mẽ và lạc quan nên không mấy ai biết được bà đã phải trăn trở mỗi đêm để tìm cách duy trì làng tre này. Chúng tôi mở đầu câu chuyện với bà bằng câu hỏi thành thực: “Động cơ nào thúc đẩy bà xây dựng Làng tre?” và bà vui vẻ trả lời.

  Rất nhiều người thắc mắc vì sao tôi từ bỏ cuộc sống an nhàn cùng gia đình, con cái ở nước ngoài để về đây lăn lộn với Làng tre. Ngay cả tôi cũng không thể lý giải được. Có lẽ vì tôi mê tre quá.

  Với tôi, cây tre không chỉ là một loài thực vật vô tri vô giác, mà gần như là một thực thể sống, biết yêu thương và vui buồn. Vì vậy, tôi đã đưa những giống tre từ cao nguyên về trồng ở trên vùng đất đắp cao hay trồng gần những chiếc cầu khỉ của miền Tây và làm thêm dòng kênh nhân tạo để cây… đỡ nhớ nhà!

* Có đặc điểm gì ở tre khiến bà mê loài cây này đến thế?

  Theo quan niệm của người phương Đông, cây tre, cây trúc tượng trưng cho mẫu người quân tử với những tính cách kiên cường, ngay thẳng mà hòa hiếu, độ lượng. Quần thể tre cho thấy một xã hội thuận hòa kỷ cương, theo quy luật “Tre già măng mọc”, chứ không phải tranh sống theo kiểu “Cá lớn nuốt cá bé”.

  Tôi thấy vui khi công việc của mình đã “minh oan” cho cây tre nhiều điều. Chẳng hạn dân gian thường cho rằng phải qua vài chục năm, tre mới nở hoa. Khi nở hoa, tất cả mọi tinh hoa, mọi chất dinh dưỡng mà cây tạo ra được đều tập trung trong những bông hoa, chất dinh dưỡng dự trữ trong thân cây cũng bị tiêu hao hết nên tre sẽ chết.

  Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, tôi thấy nhiều giống tre mỗi năm trổ hoa một lần, có cây hai, ba năm trổ hoa một lần mà không chết.

  Nhiều người thường nói tre làm bạc màu đất sau nhiều năm trồng nhưng kết quả nghiên cứu do Viện nghiên cứu Phát triển sinh thái (có trụ sở ở Lugana, Philippines) cho thấy cây tre đã góp phần cải tạo thành công những vùng đất bị tro núi lửa Pinatubo hủy hoại.

  Tôi và học trò của mình đã tiến hành nghiên cứu và so sánh về đất trồng các loại cây phổ biến như tre, cao su, khoai mì, điều.

  Kết quả thu được thật bất ngờ: đất trồng tre có độ dinh dưỡng cao hơn tất cả nhờ lớp lá tre rụng xuống phủ mặt đất, chống xói mòn đất, đồng thời giúp loài trùn sinh sôi, làm đất tơi xốp, phân trùn lại cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho đất.

  Làng tre hiện có khoảng 157 loài đã được định danh và hơn 100 loài chưa có tên khoa học, mỗi loài có một vẻ đẹp riêng. Miss Bamboo – hoa hậu của các loài tre thì có làn da mịn màng và xanh mượt mà, tre Thánh Gióng thì có màu vàng đẹp như tranh vẽ, tre đuôi gà quyến rũ như những con chim phượng hoàng…

  Nhiều vị khách nước ngoài đã rất thích thú với vẻ đẹp của các giống tre này. Tôi vẫn đang tiếp tục công việc định danh để thuận tiện cho các nhà nghiên cứu nước ngoài đến tìm hiểu.

* Công việc định danh hẳn đã lấy đi của bà nhiều thời gian và công sức?

Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh

  Đúng vậy! Cần phải so sánh và đối chiếu với các tài liệu về tre trên khắp thế giới, đồng thời phối hợp với các bảo tàng Pháp và một số trường đại học ở nhiều nước khác. Ngoài ra, còn phải mang mẫu tre đến Pháp để thực hiện phân tích ADN nữa.

  Tuy tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc nhưng tôi vẫn cố gắng hoàn thành công việc để tre Việt Nam có thể đứng ngang hàng với tre thế giới.

* Nhiều người cho là việc thu nhặt từng bụi tre trên khắp đất nước để hình thành một Làng tre Phú An quy mô lớn như hiện nay là một việc phi thường đối với một phụ nữ gần lục tuần. Bà có nghĩ vậy không?

  Có lẽ chỉ có niềm đam mê mới giúp tôi làm được điều đó. Hễ nghe ở đâu có giống tre mà làng Phú An chưa có là tôi tìm đến ngay. Tôi di chuyển bằng bất cứ phương tiện nào tìm được, từ xe ôm đến xe cải tiến, xuồng, xe tải…

  Lên miền núi thì ráng đi bộ, leo núi. Tôi vẫn nhớ những chuyến lội bộ không mỏi để tìm tre vuông ở miền núi phía Bắc, tre dây ở Thanh Hóa, tre gai ở đỉnh Fansipan. 

* Ngoài các giống tre, bà còn tìm thấy gì trong những chuyến đi?

  Tôi nhìn thấy sự lãng phí và tàn phá tre nghiêm trọng trên khắp cả nước! Nhiều giống tre sắp tuyệt chủng mà vẫn bị người dân vô tư chặt bỏ để lấy đất làm nhà.

  Người miền núi chỉ biết hái măng, đan gùi, rổ rá đơn giản để sử dụng. Thật ra tre có thể làm được rất nhiều thứ, đóng góp nhiều cho kinh tế, nghệ thuật và cả môi trường.

 Những công trình kiến trúc của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa như quán cà phê – bar Gió và Nước (Bình Dương), Bamboo – Wings (Vĩnh Phúc)… cho thấy có thể sử dụng tre rất đa dạng trong xây dựng. Hiện có khoảng mười giống tre đã được sử dụng trong ngành này như đằng ngà, tầm vông, tre gai, tre mở gai, nứa, lồ ô…

  Bằng công nghệ hiện đại, người ta đã chế biến từ tre được rất nhiều loại sản phẩm trang trí nội thất. Sàn tre, trần tre, đồ nội thất bằng tre, các tấm ván tường bằng tre… mang lại các ưu điểm như nhiều hoa văn độc đáo, màu sắc tự nhiên và giữ được độ sáng trong nhiều năm, cách nhiệt và cách âm tốt, là sản phẩm thay thế gỗ tự nhiên hiệu quả nhất.

  Về nghệ thuật, tre làm cho âm thanh trong trẻo của đàn t’rưng, đàn k’longput hòa vào với tiếng của núi rừng một cách độc đáo, tre làm cho tiếng sáo quê hương bay cao cùng cánh diều như tiếng gọi thân thương dành cho những người con xa quê…

  Về y học, nhiều chiết xuất từ tre có thể sử dụng để ngăn chặn quá trình lão hóa da, làm nước hoa với mùi thơm dịu nhẹ và mềm mại. Chúng tôi và Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh cũng đang hợp tác trong việc sử dụng lá tre để tạo một số loại thuốc kháng viêm, an thần, hạ nhiệt…

* Còn về lợi ích môi trường?

  Các bộ phận thân và rễ cây tre là một bộ phận lọc nước tự nhiên, thân thiện với môi trường. Sự kết hợp tre và cỏ Vancouver tạo nên một hệ thống xử lý nước thải xanh đã được ứng dụng thực tế và cho hiệu quả tốt tại Công ty Saigon Tan Tec (STT) tại khu công nghiệp Việt Hương II (Bình Dương).

  Hiện chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu để đưa cỏ nho, cỏ đuôi gà vào ứng dụng khả năng lọc nước tự nhiên tuyệt vời này.

  Lợi ích về môi trường dễ thấy nhất là cây tre hấp thụ khí cacbonic, thải khí oxy, giúp điều hòa không khí, còn lá tre giúp chống xói mòn và bảo vệ dinh dưỡng đất.

* Có phải vì lợi ích thiết thực trên mà bà đề nghị mỗi nhà nên trồng một, hai cây tre?

Vườn tre sinh thái Phú An

  Vâng, cây tre lớn nhanh, dễ trồng, lại không cần phải chăm sóc kỹ như các loại cây kiểng khác. Mỗi nhà chỉ cần trồng một, hai cây tre thì gia đình sẽ có bộ lọc không khí tự nhiên vừa giúp giảm khí thải hiệu ứng nhà kính cho thành phố.

  Hiện tôi và các đồng nghiệp đã nhân giống để chuẩn bị cho một phong trào trồng tre trong thành phố. Nếu gia đình nào có nhu cầu, chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mình.

* Cũng “hết mình” như những chương trình giáo dục thiếu nhi miễn phí từ Làng tre bà đang thực hiện hằng tuần?

Tôi vốn rất quý trẻ em, lại có kiến thức sư phạm nên tôi cảm thấy mình có nhiệm vụ phải giúp cho nhiều trẻ em những bài học đơn giản từ thực tế mà nhà trường ít khi dạy như hiểu cây cỏ, biết quan sát, ứng xử, biết phân loại rác…

Từ những cây tre trong làng, tôi có rất nhiều bài học cụ thể. Chẳng hạn như chúng ta không nên đốt lá tre vì lá tre nằm trên mặt đất sẽ từ từ phân hủy, tạo mùn, làm môi trường sống của giun đất. Mưa lớn tạo thành dòng chảy trên mặt đất, nhờ lớp lá tre, tránh cho mưa tiếp xúc trực tiếp với đất, góp phần chống xói mòn.

Tre còn mang lại cho chúng ta bài học về tinh thần đoàn kết. Không như hầu hết các loại cây chỉ đứng riêng lẻ một mình, tre luôn mọc thành bụi, có gốc liền gốc, rễ đan rễ, thể hiện tính quần tụ, kết đoàn, tạo thành sức mạnh khó lay chuyển.

Bài học đó còn được thể hiện qua lời dạy của cha ông ta tự ngàn đời, rằng một chiếc đũa tre thì dễ bẻ, nhưng không thể bẻ gãy cả bó đũa tre được. Tôi cho rằng những bài học từ thực tế như vậy sẽ thú vị và dễ tiếp thu hơn mớ lý thuyết suông. 

Tôi đã hoàn thành những phần cơ bản của công trình Làng tre, chỉ cần cập nhật liên tục để trở thành một đề tài hoàn chỉnh. Điều quan trọng với tôi là đề tài này có những ứng dụng hữu ích vào thực tế.

Vì vậy, tôi không tiếc công khi chia sẻ với mọi người về những kiến thức của mình ngay tại những lớp học xanh cho trẻ nhỏ, sinh hoạt ngoài trời cho thanh niên, trò chuyện với người dân…

* Được biết bà đã theo học ngành sinh lý – sinh hóa ở Việt Nam, sau đó là sinh thái môi trường ở Pháp, nhưng bà lại nghiên cứu và phát triển về sinh thái cây…

Tôi quyết định trở về nước với quyết tâm làm một điều gì đó cho quê hương mình. Trong giai đoạn đầu, tôi cảm thấy rất buồn nản vì phải làm những việc không đúng chuyên môn của mình. Chỉ đến khi tìm thấy tình yêu với cây tre và mong muốn phát triển làng tre của quê hương, tôi mới lấy lại được nghị lực.

Phú An quê tôi là một trong ba vùng của Tam giác sắt thời chiến tranh (Phú An – An Tây – An Điền). Hơn 30 năm sau giải phóng, Phú An vẫn giữ được những rặng tre xanh mát.

Tuy nhiên, tôi thấy người dân nơi đây nói riêng và trên cả đất nước nói chung vẫn chưa biết giữ gìn và phát huy thế mạnh từ cây tre nên mới quyết định thực hiện một làng tre ở Phú An rồi từ từ nhân rộng ra khắp cả nước.

Làng tre là dự án hợp tác giữa tỉnh Bình Dương, vùng Rhône – Alpes, Vườn thiên nhiên Pilat (Pháp) và Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh. Tôi rất trân trọng công sức của giáo sư Jacques Gurgand trong dự án này.

* Có phải chính giáo sư ấy là người thầy của bà tại Pháp hồi thập niên 1990?

 Vâng! Thầy giúp chúng tôi tận tình, vô tư, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật và nghiên cứu ứng dụng tre trong đời sống, bảo vệ sinh thái môi trường.

 Thầy đã thiết kế giúp chúng tôi xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm nước tối đa và hỗ trợ việc định danh tre bằng tiếng Latin. Đặc biệt, thầy là người đã mang lại cho tôi niềm tin trong những lúc tôi muốn từ bỏ Làng tre.

* Đam mê tre như bà mà có lúc bà muốn từ bỏ dự án này sao? Hơn nữa, Làng tre đã gần như hoàn thành…

Vì có những giai đoạn tôi cảm thấy bị kiệt sức. Còn nhớ giai đoạn bão Pakhar hồi tháng 4/2012 tàn phá Làng tre. Nhìn thấy hàng trăm cây tre bị trốc gốc, đổ rạp tứ hướng, chân tay tôi bủn rủn đến mức không đứng nổi.

Ba ngày trời, tôi đau đớn sống một mình với đống tre. Tôi đã nghĩ có lẽ lần này không thể cứu vãn nổi, vậy mà bỗng nhiên tôi phát hiện ra giữa những thân tre nghiêng ngả có vài nụ măng trắng muốt nhú lên đầy sức sống. Tôi mừng đến rớt nước mắt vì hiểu được sự sống mạnh mẽ của loài cây này.

Trong phút chốc, tôi quyết định cứu Làng tre. Tôi và tập thể sinh viên đã mất đến bảy tuần để dựng tre đứng dậy. Kỳ diệu thay, những cây tre ấy vẫn tiếp tục vươn lên ngạo nghễ, cứ như chưa từng trải qua dông bão.

Hiện nay, Làng tre có một nguồn tài trợ chính là 200 triệu đồng mỗi năm từ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Nhưng để giữ gìn và phát triển Làng tre thì mỗi năm tôi cần thêm ít nhất 500 triệu đồng nữa.

Phải nói rằng, tôi đã và đang phải gồng mình để có thể nuôi sống Làng tre những năm qua, giống như chạy ăn từng bữa vậy.

* Liệu sự cố gắng của bà sẽ duy trì Làng tre được bao lâu?

Làng tre Phú An

Như đã nói, tôi gần như kiệt sức sau bao năm gầy dựng và phát triển. Khá nhiều loài tre trong Làng tre hiện đã không còn giống ở Việt Nam, nay nếu không được bảo tồn chắc chắn sẽ rơi vào tuyệt chủng.

Hiện tôi đang rất cần người đỡ đầu cho một số loài cụ thể để bảo tồn.Tôi mong sớm có các cá nhân, doanh nghiệp nhận hỗ trợ chừng năm, bảy triệu đồng mỗi năm để giữ gìn và phát triển các giống tre đó. Làng tre xin cảm ơn và bày tỏ sự trân trọng bằng cách lưu tên người đỡ đầu kèm theo tên khoa học của loài tre.

* Giáo sư Nguyễn Lân Dũng từng có lời ngợi khen rằng “Làng tre Phú An đã vượt lên làn sóng đô thị hóa để giữ lại cho đất nước ta, dân tộc ta hình ảnh quý giá của một ngôi làng xanh bóng tre, vốn là niềm tự hào của từng người dân nước Việt” , và ông cũng không khỏi băn khoăn không biết bao giờ phục hồi lại được các ngôi làng xanh bóng tre xanh. Hẳn bà cũng đồng quan điểm đó?

  Cây tre đã đi vào văn hóa Việt Nam như một hình ảnh bình dị mà đầy sức sống, nhưng những năm gần đây, loại cây này đã bị coi nhẹ, bị chặt phá, bị thoái hóa… bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

 Hiện tôi và các đồng nghiệp đang ra sức gầy dựng lại những làng tre quê hương trên khắp cả nước và đang rất cần sự góp sức của mọi người, đặc biệt là các doanh nghiệp.

 Làng tre và những dự án sắp tới nhằm bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu tre sẽ giúp bảo tồn và phát triển cây tre Việt Nam, đồng thời tăng giá trị kinh tế cho cây tre trên khắp cả nước. 

* Theo bà, cây tre có thể giúp chúng ta xóa đói giảm nghèo?

Làng tre Phú An
Làng tre Phú An 3

  Đã có nhiều bằng chứng trên thế giới chứng minh tre hoàn toàn có thể giúp con người xóa đói giảm nghèo. Mỗi hécta trồng tre chất lượng cao đem lại thu nhập 15.000 USD mỗi năm cho người nông dân Trung Quốc. Các tác phẩm mỹ thuật tinh xảo được dệt thủ công từ sợi tre xuất sang nhiều thị trường lớn trên thế giới như Singapore, Hoa Kỳ, châu Âu…

  Tại Việt Nam, từ năm 2006, các nhóm làm việc và các đối tác của Tổ chức PI – Chương trình tre Mekong đã khẳng định tre có thể xóa đói giảm nghèo dựa trên phát triển ba lĩnh vực riêng biệt là chế biến tre công nghiệp, măng tre và các sản phẩm thủ công.

 Hiện nay, số hộ ở miền Bắc có được khoản thu nhập từ tre đã đạt hơn 70%. Phụ nữ nông thôn và miền núi tham gia vào các ngành chế biến tre rất đông, chiếm khoảng 63%.

 Thu nhập mỗi ngày công lao động của nông dân trồng tre cao hơn gấp đôi so với trồng gạo, ngô, mía và những loại cây trồng khác ở vùng núi Việt Nam.

* Liệu chúng ta có thể phát triển các rừng tre trong điều kiện đất đai thiếu thốn và nhiều vùng đất ô nhiễm như hiện nay?

  Tre trồng dễ, lớn nhanh, không cần nhiều công chăm sóc.Từ ba đến năm năm là có thể khai thác, hết lớp này đến lớp khác vì “Tre già măng mọc”. Vì vậy, trồng tre là giải pháp cho nguồn đất hạn hẹp.

  Ngoài ra, cây tre có sức sống tuyệt vời ở cả những vùng đất bạc màu, cằn cỗi hay đất bị ô nhiễm. Các kết quả nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Phát triển sinh thái ở Philippines cho thấy bộ rễ của cây tre có tác dụng ổn định, chống xói mòn đất, chống xói lở bờ sông, khi tre mọc ken dày sẽ làm giảm cường độ của gió, giảm sự tàn phá của những cơn bão và gió lốc.

  Người Nhật đã từng trồng thí nghiệm tre trên một vùng đất ở gần Hiroshima – thành phố bị tàn phá bởi bom nguyên tử hồi năm 1945. Kết quả là cây tre đã đâm chồi trên đất nhiễm phóng xạ chỉ sau vài tháng. Có thể nói, với tôi, tre là một loài cây vô cùng độc đáo, cần duy trì và phát triển không ngừng. 

Nguồn từ: doanhnhansaigon.vn

Search posts

Tìm kiếm bài viết

Following us at here

Theo dõi chúng tôi:

Newest video on Youtube

Video mới nhất

This error message is only visible to WordPress admins

Error 403: Requests from referer https://caytrekhonglo.com are blocked..

Domain code: global
Reason code: forbidden

Error: No videos found.

Make sure this is a valid channel ID and that the channel has videos available on youtube.com.

Edit Template

Maybe you could like this

Các bài viết mới nhất khác

  • All Posts
  • Blog
MÔ HÌNH LÀM KINH TẾ TRỒNG TRE KHỔNG LỒ
12/08/2024

TRE LÀ LOẠI CÂY GIÚP CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TỐT NHẤT Tre có khả năng hấp thụ khí C02 gấp từ 2 – 3 lần so với cây khác. Tre nhả khí 02 hơn 35% so với cây khác TRỒNG ĐI ĐÔI VỚI KHAI THÁC TRE GIÚP HẤP THỤ…

  • All Posts
  • Blog
  • All Posts
  • Blog
  • All Posts
  • Blog
  • All Posts
  • Blog

Follow us for more

Theo dõi chúng tôi tại đây: